Nhã trong về nhà đi con

Vì quá hằn học với nhân vật trên phim, nhiều khán giả thành kiến luôn với diễn viên thủ vai đó ngoài đời thực. Đối với họ, "đã ghét thì gặp ở phim hay ở đời cũng ghét hết".

Bạn đang xem: Nhã trong về nhà đi con


“Nhã ngoài đời tên gì hả con, có chồng chưa? Nhìn ánh mắt đấy chắc cũng không phải người tử tế”, Nguyễn Mai (22 tuổi, Hải Phòng) nhớ lại câu hỏi của mẹ hồi thứ 7 tuần trước.

Nghe xong, Mai bật cười. Cô sinh viên Đại học Ngoại thương giải thích cho mẹ đấy chỉ là phim. Trước đây, Quỳnh Nga (thủ vai Nhã) từng đóng vai "cá sấu chúa" rất dễ thương.

“Trong phim nhìn ghét vậy thôi, ngoài đời chị ấy là ca sĩ hát cũng được, tính cách nghe nhiều người nói dễ thương, không tới nỗi như trong phim", Mai giải thích.

Thế nhưng, mẹ của Mai không những không nghe cô giải thích mà còn khẳng định Nhã ngoài đời "là người cũng chẳng ra gì".

“Nhìn ánh mắt đưa tình, đi thì uốn éo, ăn mặc kiểu đấy là mẹ nổi da gà rồi. Nó hát ở đâu, bao giờ để mẹ tẩy chay”, bà nói.

Đây không phải lần đầu tiên mẹ của Mai có phản ứng như vậy. Là fan của phim truyền hình bao năm nay, danh sách những gương mặt “ngoài đời cũng chẳng ra gì” của bà chắc phải lên tới con số vài chục người. Bà nhớ rõ ai từng đóng vai nào và sẽ hậm hực, ghét tới những phim sau nữa.

Mai chẳng biết vì sao mẹ gay gắt đến vậy. Tuy nhiên, cô vẫn nhớ như in những lần ngồi xem chung với mẹ, mẹ tay dao, tay đũa đập chan chát xuống bàn. Bà còn chửi nhân vật, lên mạng tìm thông tin ngoài đời và dùng những từ ngữ khá nặng nề dành cho diễn viên phim.

“Mẹ mình gần 50 tuổi rồi mà xem phim người trẻ đóng vẫn tức đến thế, bảo sao mấy chị có chồng đi ngoại tình lại chẳng nguyền rủa. Bà còn vào tận Facebook để xúc phạm Quỳnh Nga. Làm diễn viên đúng là khổ thật", Mai nói với Zing.vn.

Mẹ của Mai không phải là khán giả duy nhất vì quá hằn học với nhân vật trên phim nên thành kiến luôn với diễn viên thủ vai đó ngoài đời thực. Đối với họ, phim ảnh và đời thực nhất định phải có sự liên quan.


Vai diễn Nhã trong "Về nhà đi con" khiến Quỳnh Nga bị ghét Vì diễn xuất tốt vai tiểu tam trong phim "Về nhà đi con", Quỳnh Nga bị dân mạng công kích cá nhân.

Mỹ Linh (22 tuổi) và bạn trai Tuấn Hùng (26 tuổi) quen nhau được 4 năm và dự định kết hôn vào cuối năm nay. Trong mắt Linh, Hùng là chàng trai dễ tính, cởi mở, không chấp vặt và đặc biệt, anh không biết để bụng hay thù hằn ai.

Một lần, khi đang ngồi nói chuyện với chồng sắp cưới, Linh hỏi: “Hiện giờ, anh cảm thấy ghét ai nhất, ghét không chịu được ấy?”. Không suy nghĩ, Hùng đáp: “Khải”.

“Khải nào, mình có quen ai tên Khải hả?”, cô thắc mắc.

“Khải trong Về nhà đi con", Hùng trả lời.

Nghe xong câu trả lời, Linh bật cười. Khải - người mà Hùng đang nhắc tới - là người chồng vũ phu, thường xuyên đánh đập vợ, rượu chè, cờ bạc và gây ra tai nạn chết người. Trong Về nhà đi con, Khải là nhân vật tìm mãi không ra điểm tốt nhưng để bị người yêu cô "ghét nhất" thì quả thật, Linh rất bất ngờ.

“Giờ ra ngoài đường mà gặp Khải, anh có ghét không?", Linh hỏi Hùng. "Có chứ sao không? Đã ghét thì gặp ở phim hay ở đời cũng ghét hết. Nhìn mặt là thấy ghét rồi. Mặt đấy ra ngoài cũng khó mà tốt được”, Hùng trả lời. Anh nói thêm, Khải ngoài đời chắc cũng chẳng phải người ra gì.

Linh dùng hết lý lẽ của mình để giải thích cho bạn trai: Diễn viên Trọng Hùng được dân mạng khen đóng rất đạt từ biểu cảm từ gương mặt đến giọng nói, dáng đi. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc ngoài đời Trọng Hùng cũng là người xấu.

Tuy nhiên, Hùng chẳng quan tâm lắm.

Anh nửa đùa, nửa thật nói: “Đời anh ít thấy ghét ai lắm nên đã ghét là ghét, không thay đổi được đâu”.

*
*
Trong phim, Nhã bị mắng là là tiểu tam. Ngoài đời Quỳnh Nga bị công kích trên trang cá nhân là đồ giật chồng, con giáp thứ 13.

“Khán giả thường chỉ tin vào những gì họ thấy trên phim”

Trong một bài viết về mối liên hệ giữa nhân vật trên phim và đời thực đăng trên Psychology Today, tiến sĩ Thalia R. Goldstein (ĐH George Mason, Mỹ) cho rằng khán giả phim truyền hình thường khó phân biệt được đâu là diễn viên, đâu là nhân vật họ hóa thân.

Một trong những nguyên nhân chính được đưa ra là vì phim truyền hình khác với kịch và phim điện ảnh. Chúng thường phát sóng trong khung giờ cố định vào mỗi ngày và kéo dài hàng tháng, có khi hàng năm.

Điều đó có nghĩa là trong một khoảng thời gian dài, khán giả liên tục cùng ăn, cùng sống với bộ phim mà họ yêu thích, đồng thời cùng khóc cười với diễn viên mình mến mộ.

“Khán giả có một sự kết nối với các nhân vật. Sự liên kết này mạnh mẽ đến mức khiến họ không còn phân biệt được đâu là phim, đâu là đời, đâu là diễn viên và đâu là nhân vật”, bà Goldstein nói.

Đặc biệt, khi các diễn viên làm tốt vai diễn của mình, khán giả thường chỉ tập trung vào những thứ họ thấy trên phim. Một diễn viên nhiều năm chỉ đóng một dạng vai sẽ bị khán giả “đóng đinh” với hình ảnh họ thấy trên màn ảnh.

*
Vai diễn Nhã trong Về nhà đi con mang lại cho Quỳnh Nga những rắc rối ngoài đời thực.

“Diễn viên chẳng ai muốn chỉ đóng vai phản diện hay chính diện. Nhưng chỉ những người giỏi mới thoát được lối mòn. Còn khán giả thường chỉ tin vào những gì họ thấy trên phim”, tiến sĩ Goldstein nói.

Trong nhiều bộ phim truyền hình, tính cách nhân vật được đẩy cao hết mức có thể, rất tốt hoặc rất xấu. Vì vậy, số đông khán giả cũng yêu ghét hết sức rõ ràng.

Vì những vai diễn phản diện, không ít diễn viên gặp rắc rối ngoài đời thực.

Sau vai ác nữ Cersei trong bộ phim truyền hình Mỹ nổi tiếng Game of Thrones, nữ diễn viên Lena Headey từng tâm sự cô bị nhiều người xa lánh ở ngoài đời. Còn nam diễn viên Alex Ferns thậm chí bị dọa giết sau khi thủ vai phản diện trong bộ phim truyền hình của Anh EastEnders (1985).

Bà Goldstein đúc kết: "Điều thú vị là chúng ta không bao giờ nghĩ rằng những nhân vật trong bộ phim viễn tưởng Space Cowboys hay truyện cổ tích có thực. Nhưng các diễn viên truyền hình vẫn bị nhầm lẫn với vai diễn của họ. Bởi vì suy cho cùng, chúng ta tìm thấy sợi dây liên kết giữa cuộc sống, các mối quan hệ thực với bộ phim, nhân vật mà chúng ta đang xem”.

"Từ nay không dám ngồi xem chung với mẹ"

“Mày chuyển kênh khác đi, cái mặt nhỏ đó nhìn là thấy ghét. Nhõng nhẽo, khóc lóc, thấy là ưa không nổi”.

Thanh Phúc (19 tuổi, ĐH Hoa Sen, TP.HCM) vừa cầm remote ấn bừa một kênh sau bữa cơm tối. Anh chưa kịp làm gì thì bị mẹ mắng cho một tràng. Nhìn lên màn hình, cậu bạn thấy nguyên dàn người đẹp từ hoa hậu đến ca sĩ trong chương trình Người ấy là ai đang giúp nữ chính chọn người yêu.

Hương Giang đang tư vấn bạn nữ, Thuý Ngân ngồi cười tươi bên cạnh Trương Thế Vinh. 10X vẫn không biết mẹ đang mắng ai nhõng nhẽo.

*
Thúy Ngân được nhiều dân mạng nói "một bước thành sao" nhờ vai diễn nhõng nhẽo, ích kỷ, không xem ai ra gì trong Gạo nếp gạo tẻ.

“Ai khóc vậy mẹ? Người ta đang vui vẻ mà?”, Phúc hỏi.

"Con Hân đó chứ ai. Nhìn mặt là ưa không nổi rồi. Người gì tối ngày khóc, ăn hiếp hết người này đến người khác. Nói nhiều quá, chuyển kênh đi”, mẹ Phúc trả lời.

Đang yên đang lành, Phúc không rõ tại sao mẹ tỏ thái độ bực dọc. Nhìn lên màn hình, anh chợt nhớ ra "con Hân" mà mẹ đang nói là Thuý Ngân - con gái rượu của bà Mai trong Gạo nếp gạo tẻ.

*
Thúy Ngân bị nhiều khán giả quay lưng chỉ vì diễn tròn vai phản diện.

Trong phim, Thuý Ngân đảm nhận vai cô con gái được mẹ nuông chiều không xem ai ra gì. Hân "Hoa hậu" hết hỗn hào với chị hai, ăn hiếp chồng rồi lại đi ngoại tình.

Phúc nói việc mẹ anh không ưa Hân "Hoa hậu" là điều dễ hiểu. Nhưng việc mẹ ghét luôn cả Thuý Ngân ngoài đời thực là điều khiến cậu bất ngờ.

“Ủa liên quan gì đâu mẹ, cái kia phim thôi mà. Tự nhiên ghét luôn người ta vậy”, 10X thắc mắc.

“Phim, thật gì ở đây. Cái tính nó không như vậy sao diễn được? Nghe cái giọng là thấy khó chịu rồi. Mà mắc cái gì mày bênh nó? Mày thích kiểu người vậy hả? Sau này cưới vợ kiểu đó về tao đuổi ra khỏi nhà chứ ở đó mà thích”.

Phúc nhớ lại từng câu từng chữ mẹ nói với mình. Anh quay sang cha mình đang ngồi kế bên cầu cứu, ông chỉ lắc đầu và nhịn cười.

Cậu bạn sinh viên năm 2 lại nhìn qua mẹ. Bà đang tỏ thái độ không vừa ý và dọn mâm cơm tiến thẳng đến chỗ rửa bát, không thèm nhìn “đứa con bênh nhỏ Hân” như cậu nữa.

Thanh Phúc nói buồn cười nhưng không dám vì sợ mẹ mắng.

“Đây không phải lần đầu, trước đó vài người bị mẹ ‘cạch mặt’ như vậy rồi. Từ nay không dám ngồi xem chung với mẹ luôn”, Phúc kể.

“Nhìn không quen mắt chút nào”

Mỹ Khoa (31 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) kể đấy là câu nói chị thốt lên khi thấy hình ảnh Trương Minh Quốc Thái hiền lành trong bộ phim gần đây mình xem được.

“Nghĩ sao đạo diễn cho ông này đóng vai hiền, nhìn cứ đểu đểu thế nào ấy. Quốc Thái phải đóng vai sở khanh, hung hăng mới hợp”, chị Khoa khẳng định.

Bà mẹ hai con kể có ấn tượng sâu đậm với Trương Minh Quốc Thái từ bộ phim Người đàn bà yếu đuối. Kể từ đấy, miễn lần thấy nam diễn viên, cô đều khẳng định anh chỉ hợp đóng vai tính cách.

*
*
Trương Minh Quốc Thái bị đóng đinh với những vai "ác nam".

Thậm chí, dù chưa xem phim, cứ thấy Quốc Thái xuất hiện trong khung hình, chị Khoa liền mặc định anh đang đảm nhận một vai phản diện.

Xem thêm: Nước Chấm Rau Luộc Giảm Cân, 4 Món Rau Luộc Giữ Dáng Cực Tốt

Đến nỗi, khi ngồi xem phim với chồng, cô vẫn liên tục tỏ thái độ ra mặt khi thấy diễn viên 45 tuổi đang đóng vai người cha hiền lành.

Anh xem, ngày xưa đóng thấy ghét vậy đó, giờ diễn vai hiền không xem được, nhìn không quen mắt chút nào”, Khoa nói.

Chồng Khoa khuyên cô nên khoan dung hơn, dù sao đó cũng chỉ là một vai diễn. Cô ậm ừ cho qua nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm không thích Trương Minh Quốc Thái đóng vai hiền.

“Nói ghét cũng không phải, nhưng thật ra cũng gần như vậy. Ghét vai Phát (trong Người đàn bà yếu đuối) và ghét luôn cả Thái!”, chị Khoa nói.